Bạn cần làm gì khi được mời phỏng vấn?

Sáng nay vừa vào kiểm tra hộp mail thì bạn nhận được thư mời phỏng vấn từ một công ty mà bạn ứng tuyển trước đó không lâu. Xin chúc mừng bạn! Sau bao nỗ lực trong việc viết hồ sơ, thiết lập các mối quan hệ xã hội và tìm kiếm cơ hội việc làm, bạn đã thu được kết quả. Được mời phỏng vấn là bạn đã có trong tay 30% cơ hội thành công trên con đường chinh phục ước mơ nghề nghiệp của mình. Điều quan trọng là bạn cần phải làm gì để lấy thêm 70% cơ hội còn lại và đến được đích “thành công”?
Đây thật sự là phần việc còn lại mà bạn phải hoàn thành để hoàn thiện bức chân dung của mình trước nhà tuyển dụng. Hãy chứng tỏ cho nhà tuyển dụng thấy nếu không gọi bạn đến phỏng vấn thì họ đã để vuột mất một cơ hội hợp tác tốt. Vậy bạn cần làm gì khi được mời phỏng vấn?
Chuẩn bị thật tốt trước ngày phỏng vấn
Bạn cần chuẩn bị mọi thứ từ việc tìm hiểu về công ty mời phỏng vấn đến trang phục sẽ mặc trong ngày hôm đó. Hãy làm mọi thứ thật chu đáo, cẩn thận và đừng quên đặt vào đấy sự trân trọng vì ngày hôm ấy thật sự là một ngày quan trọng của bạn.
Tìm hiểu về công ty
Trước khi đến phỏng vấn bạn cần nghiên cứu về công ty, tổ chức đã mời mình. Thật ra, điều này bạn đã làm một lần trước khi quyết định apply ứng tuyển. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về ngành nghề kinh doanh, mạng lưới hợp tác của công ty và cả vị trí mà bạn ứng tuyển đều thật sự rất cần thiết. Bạn nghĩ thế nào nếu nhà tuyển dụng đặt cho bạn câu hỏi “Bạn biết gì về công ty chúng tôi?” và bạn lại ấp úng, ngập ngừng. Đó sẽ là một điểm trừ rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng dành cho bạn. Việc tìm hiểu còn giúp bạn suy nghĩ thấu đáo về sự phù hợp giữa kỹ năng bạn có với công việc bạn muốn làm.
Trang phục và makeup
Đừng đến phỏng vấn với một bộ cánh lòe loẹt. Bạn hãy chuẩn bị cho mình một bộ trang phục thanh lịch, màu sắc trang nhã. Với nam, bạn sẽ trông rất chững chạc với áo sơmi, quần tây bỏ thùng gọn gàng. Các cô gái hãy thể hiện sự tinh tế, thông minh trong cách mix trang phục công sở của mình và đừng nên mặc những chiếc váy quá ngắn. Hãy chọn những gam màu trang nhã, nhẹ nhàng, tránh gây cảm giác “chói mắt” cho người đối diện.
Tránh trang điểm quá đậm khi đi phỏng vấn. Việc makeup là cần thiết để các bạn gái trông tươi tắn và thu hút hơn. Tuy nhiên, đừng gây cho nhà tuyển dụng ấn tượng về bạn là một cô gái điệu đà qua lớp son phấn dày cộm. Hãy làm mình thật tự nhiên với lớp trang điểm nhẹ nhàng, tinh tế.
Bạn cũng không nên sử dụng nhiều nước hoa hoặc nước hoa có mùi quá nồng. Để người tiếp xúc với mình phải nhăn mặt hoặc hắt hơi liên tục vì “mùi hương” phát ra từ cơ thể mình thì thật không hay chút nào. Hãy chọn hương thơm nhẹ nhàng và quý phái bạn nhé.
Đến đúng giờ hẹn
Đến đúng giờ không chỉ thể hiện tác phong chuyên nghiệp của bạn mà nó còn phần nào thể hiện sự tôn trọng của bạn dành cho công việc và nhà tuyển dụng. Theo lời khuyên từ các chuyên gia tuyển dụng, bạn nên đến sớm so với giờ hẹn ít nhất 15 phút. Khoảng thời gian này sẽ đủ để bạn ổn định tinh thần, chỉnh trang lại đầu tóc, trang phục sau một quãng đường di chuyển dài. Bạn không thể nào hớt hãi chạy ngay vào phòng phỏng vấn với đầu tóc rối bù, mồ hôi nhễ nhại vì vừa phải qua một đợt kẹt xe.
Hãy tranh thủ thời gian này chuẩn bị, sắp xếp lại hồ sơ, hít thở sâu trước khi đến lượt của mình.
Thể hiện sự thân thiện và tác phong chuyên nghiệp
Hãy nở một nụ cười tươi và cái nhìn ấm áp khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng. Tuyệt đối đừng né tránh cái nhìn của người phỏng vấn bạn. Điều này sẽ chứng tỏ là bạn nhút nhát và không tự tin về bản thân của mình. Khi nói chuyện hãy nhìn thẳng vào người đối diện, trình bày từ tốn, rõ ràng vấn đề được hỏi.
Tránh việc vừa nói chuyện vừa ngậm hoặc nhai kẹo cao su. Ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, kết hợp vừa phải ngôn ngữ cơ thể với ngôn ngữ nói để trình bày vấn đề.
Bày tỏ niềm yêu thích công việc và sự mong muốn được hợp tác cùng công ty
Bạn hãy làm cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn rất yêu thích công việc này và mong muốn sẽ được bổ nhiệm vào vị trí đó. Hầu hết các công ty sẽ không chào đón những người đến với họ chỉ vì mục đích tìm thu nhập trang trải cuộc sống. Mặc dù đó cũng là một yếu tố quan trọng khiến bạn tìm việc nhưng đó không phải là tất cả. Do đó bạn cần sáng suốt cân nhắc mình có thật sự yêu thích và muốn gắn bó với công việc này không. Nếu có, hãy tìm cách chinh phục nhà tuyển dụng. Hãy cho họ thấy mục tiêu nghề nghiệp tương lai của bạn, và bạn sẽ cống hiến gì cho sự đi lên của công ty.
Bạn cũng đừng tạo cho mình tâm lý “ngại” khi đặt lại câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Đây cũng là cách bạn tìm hiểu, đánh giá thêm về nơi mình sẽ gắn bó, đồng thời đây cũng là cơ hội cho bạn chứng tỏ sự quan tâm đến công việc, bản lĩnh và khả năng đảm nhiệm vị trí của bạn.
Hãy trung trực khi nói về bản thân của mình
Với những gì bạn thật sự có trong tay hãy trình bày trước nhà tuyển dụng. Đừng bịa ra những cái mình chưa từng làm trước đó. Nếu không chuẩn bị tốt, bạn sẽ lúng túng khi bị hỏi ngược lại các vấn đề.
Hãy tạo sự khác biệt cho bản thân
Bạn đến phỏng vấn nhưng chỉ thể hiện những cái chung cơ bản mà ứng viên nào cũng chuẩn bị thì rất dễ hòa vào đám đông và nhà tuyển dụng sẽ khó nhận ra bạn. Hãy thể hiện bản thân mình trước nhà tuyển dụng bằng cách tạo ra một “thương hiệu” riêng. Bạn hãy xem nhà tuyển dụng như một khách hàng và thuyết phục họ. Hãy giới thiệu ngắn gọn nhưng ấn tượng về bản thân và cho họ thấy năng lực của mình. Đừng giữ mãi tư tưởng tự ti của một người “xin việc” mà hãy xem đây là một cơ hội hợp tác để hai bên cùng có lợi. Giá trị bản thân là do bạn tạo ra và nắm giữ đấy.


Kết thúc buổi phỏng vấn đừng quên nói lời cảm ơn với bộ phận tuyển dụng vì đã tạo cơ hội cho bạn trao đổi trực tiếp. Bạn nên hỏi xem bao lâu mình sẽ nhận được kết quả phỏng vấn. Hãy mỉm cười lịch sự và thân thiện trước khi chào ra về. Sau đó bạn có thể viết mail để cảm ơn nhà tuyển dụng đã dành thời gian cho bạn. Đây cũng là cách bạn cho họ biết mình quan tâm đến việc làm này để phía nhà tuyển dụng sớm liên hệ lại với bạn.
Buổi tối trước ngày phỏng vấn, bạn hãy ngủ sớm, thức dậy sớm để chuẩn bị. Đừng quên tìm trên bản đồ đường đi và địa chỉ của công ty để sắp xếp thời gian rời khỏi nhà hợp lý nhé. Chúc các bạn có một buổi phỏng vấn thành công.