Bí quyết tìm lại niềm đam mê trong công việc

 

Bạn đã từng rất yêu thích công việc hiện tại của mình và từng đắm chìm trong những dự án, kế hoạch bất tận. Thế nhưng, đến một ngày bạn nhận ra dường như nguồn năng lượng trong mình đã cạn, nhiệt huyết và đam mê cũng không còn. Bạn đến công ty với một tâm trạng uể oải, làm mọi thứ bằng thái độ hững hờ và hoàn toàn không còn muốn sáng tạo những điều mới mẻ. Mọi thứ vẫn trôi qua bình thường nhưng với riêng bạn thì thật không ổn tý nào. Bạn hãy nhanh chóng điều chỉnh lại cảm xúc, tìm lại niềm vui, niềm yêu thích công việc để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa với bạn.
Có thể bạn đang rơi vào trạng thái “bão hòa” trong công việc và cả cuộc sống. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể sau một thời gian làm việc hết công suất. Khoảng thời gian dài, liên tục bạn đã thả mình vào vòng xoáy của công việc. Sáng sáng đến công ty, tối mịt thì trở về nhà mà không quên mang theo hồ sơ giấy tờ giải quyết còn dang dở. Cuộc sống cứ thế dần trôi, rồi đến một ngày bạn khựng lại, bạn lay hoay với câu hỏi “Mình đang ở đâu? Mình đã làm gì? Và Mình phải làm gì tiếp theo?” Để khơi lại ngọn lửa đam mê ngày nào trong bạn, bạn cần phải biết cách làm cân bằng lại cuộc sống của mình.
Hãy nghỉ phép và đi du lịch
Một năm làm việc vất vả, hăng say, bạn cũng cần phải có thời gian dành riêng cho bản thân mình. Bạn hãy sắp xếp thời gian nghỉ phép để đi du lịch một mình hoặc cùng với bạn bè, người thân trong gia đình. Rời khỏi thành phố lớn ồn ào, nhộn nhịp để đến với biển xanh, nắng vàng hay núi cao, thôn quê yên ả sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm mới. Hãy vui chơi hết mình và làm những gì bạn thích. Đây là một cách xả stress hiệu quả vì nó mang bạn thoát khỏi ám ảnh công việc, thoát khỏi núi hồ sơ, giấy tờ trong văn phòng chật hẹp. Bạn hãy đến thăm những địa danh đẹp, ăn những món ăn ngon và gặp gỡ nhiều người để tâm hồn thư thái, nạp lại hứng khởi cho ngày mới.
Họp mặt bạn bè và trải lòng tâm sự
Sau khi ra trường, chắc hẳn nhóm bạn chí cốt ngày nào của bạn đã ít hẳn thời gian dành cho nhau. Bạn hãy tụ hợp hợp họ lại và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm đẹp ngày nào. Đừng giấu mãi những chuyện buồn ở trong lòng mình. Bạn hãy kể cho bạn mình nghe những nỗi buồn, những chán nản mà bạn đang gặp phải. Bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên chân thành và thậm chí là kinh nghiệm vượt qua buồn chán của kẻ đã đi trước.
Mở rộng mối quan hệ
Chúng ta không thể nào bó buộc mình mãi trong những mối quan hệ quen thuộc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Bạn hãy “mở rộng” mối quan hệ của mình bằng cách tham gia vào các diễn đàn, cộng đồng mạng xã hội (Facebook, Twitter, Instagram,…), gặp gỡ, trò chuyện với đối tác, khách hàng,… Việc gặp gỡ mọi người và tiếp thu những kiến thức, quan điểm mới sẽ là cầu nối giúp bạn tìm lại nguồn cảm hứng trong công việc và cuộc sống.
Suy nghĩ lạc quan
Làm bất cứ điều gì, trong cứ kỳ tình huống nào, bạn nên lạc quan hướng về phía trước. Suy nghĩ tích cực sẽ giúp chúng ta nuôi dưỡng niềm tin ở tương lai. Bạn chán nản về công việc, bạn nghĩ ngày mai rồi cũng giống như hôm nay, tuần sau cũng sẽ lặp lại giống tuần này thì từ chán nản bạn rất dễ rơi vào bế tắc. Hãy lạc quan mà vui sống để nguồn cảm hứng ngày nào trở về bên bạn.
Tham gia các khóa học
Tri thức là cái mà không khi nào có điểm dừng và giới hạn. Vậy thì tại sao bạn không thử đăng ký tham gia các khóa học ngoại khóa mà bạn thích. Đến lớp, gặp thầy cô, bạn bè, những người có kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống sẽ tiếp thêm cho bạn nguồn năng lượng mới, khơi dậy nơi bạn đam mê học hỏi. Bạn sẽ được học thêm nhiều điều bổ ích, những kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp và cuộc sống của mình.
Đề ra mục tiêu mới cho công việc và cuộc sống
Bạn hãy đặt ra mục tiêu mới cho công việc và cuộc sống của mình trong khoảng thời gian sắp tới. Sau khi có mục tiêu, tiếp theo bạn cần cụ thể hóa phương pháp thực hiện để đạt được nó. Khi thành công đạt được mục tiêu đề ra (có thể là khóa học kỹ năng, ngoại ngữ, dự án, chương trình,…) bạn sẽ có thêm sự tự tin, đồng thời nhanh chóng lấy lại nhiệt huyết của mình.
Tự tạo niềm vui
Sau tất cả những gì đã trải qua, bạn có thấy mình quá chìm đắm trong công việc mà đã bỏ quên cả thế giới bên ngoài không. Có thể vì không cân bằng được giữa làm và chơi nên bạn mới rơi vào trạng thái “cạn” nguồn năng lượng. Bạn phải biết cách tạo niềm vui cho mình, dù cho đó là trong môi trường công sở. Khi căng thẳng hãy nghe một bản nhạc yêu thích, đọc thêm tin tức mới hoặc giải lao uống trà, điểm tâm cùng đồng nghiệp. Một môi trường làm việc năng động, thân thiện cũng là cách để bạn lấy lại hứng khởi trong công việc đấy.