Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nên cho uống nước không?

Trước khi sinh, chị Lan và chị Hà (TP.HCM) đã được mẹ ruột và mẹ chồng tư vấn, truyền nhiều kinh nghiệm quí báu trong việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, mới đây Ku Bi và Bông con của hai chị phải vào viện để kiểm tra sức khỏe vì hai bé thường xuyên gặp các vấn đề về đường tiêu hóa và rất nhẹ cân so với các bé cùng lứa. Cả Bi và Bông đều đã 3 tháng tuổi nhưng số cân chưa đầy 5kg. Bác sĩ xác định nguyên dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng của hai bé là do việc uống nước quá sớm.
Trường hợp của chị Lan và chị Hà là một trong những đại diện cho số đông các bà mẹ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ. Chúng ta vẫn thường hay có tư tưởng, các bé cũng như người lớn, cũng cần phải uống nước hàng ngày để làm mát cơ thể, tránh tình trạng bức bối. Một số các bà mẹ đã tìm hiểu và được bác sĩ tư vấn về việc không nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống nước. Tuy nhiên, các mẹ lại gặp phải sự tác động lớn từ bà nội, bà ngoại. Cả bà nội, bà ngoại lại cho rằng việc cho trẻ uống nước là cần thiết vì từ kinh nghiệm thực tiễn của các bà sữa mẹ dễ làm trẻ cho trẻ khát, trẻ không uống nước thì sẽ nóng bức trong người, dẫn đến chậm lớn. Vậy đâu là câu trả lời đúng về việc có nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước không?
Các bạn thân mến, các chuyên gia dinh dưỡng và các bác sĩ trên toàn thế giới đều đã khẳng định: “Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Câu nói này đều được đính kèm trên quảng cáo của các nhãn hiệu sữa trong và ngoài nước. Vậy thì tại sao chúng ta còn nghi ngại về khả năng “kỳ diệu” của sữa mẹ chứ. Sữa mẹ đáp ứng đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm các dưỡng chất như: vitamin A, vitamin D, vitamin nhóm B, i-ốt, các acid béo thiết yếu và acid béo nhiều nối đôi DHA.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú sữa mẹ, bởi trong sữa đã có đủ nhu cầu nước hàng ngày cho cơ thể của trẻ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu trong một cữ bú, lượng sữa đầu có nhiều nước giúp trẻ giải khát kèm với chất đạm và chất đường, sữa cuối cữ bú chứa nhiều chất mỡ và đầy đủ vitamin tan trong mỡ, giúp trẻ phát triển thể chất, trí thông minh.
Việc cho trẻ uống thêm nước chẳng những không có lợi mà còn có thể gây hại cho trẻ.
Trong nhiều cái hại, dễ thấy trước hết chính là các bé có nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa. Bạn có chắc, nguồn nước bạn cho bé uống có thật sự đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh và phù hợp với cơ thể non nớt của bé? Theo nghiên cứu, những trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thêm nước ngoài thường có nguy cơ bị tiêu chảy cao gấp 2-3 lần những bé bú mẹ hoàn toàn. Chính vì thế, các mẹ thường được khuyên không nên cho con uống thêm nước trắng hay bất kỳ một loại nước trái cây nào trong giai đoạn nhạy cảm này của trẻ.
Việc cho trẻ uống nước sớm cũng không loại trừ nguy cơ trẻ có thể bị nhiễm độc nước.
Điều này xảy ra khi lượng nước quá nhiều làm giảm nồng độ natri trong cơ thể, làm xáo trộn sự cân bằng điện giải. Lượng nước vào cơ thể chúng ta phải đi qua hai quả thận để tiến hành quá trình lọc và đào thải nước tiểu. Thế nhưng, hai quả thận của bé chưa phát triển đầy đủ về các chức năng, do đó nếu cho bé uống nhiều nước thì cơ thể sẽ bị ứ nước, mất muối, làm trẻ bị phù và ảnh hưởng đến hoạt động não, hô hấp (trẻ lừ đừ, ngủ nhiều, thở mệt, nặng có thể rơi vào trạng thái co giật, hôn mê)
Cho trẻ uống thêm nước thì nguy cơ suy dinh dưỡng, nhẹ cân là điều khó tránh.
Uống thêm nước có thể làm trẻ no bụng mà không muốn bú thêm sữa. Mặc dù không có mùi vị như sữa nhưng các bé lại “ưu ái” nước hơn. Các mẹ có nhận thấy khi bé không muốn bú sữa mà vẫn uống ngon lành những thìa nước mẹ bón không? Nhiều bà mẹ vẫn nghĩ bé khát và liên tục cho bé uống. Lượng nước đã thay thế đi lượng sữa mà đáng lẽ bé cần phải bú. Xin lưu ý với các mẹ rằng nước chỉ thay thế sữa về “lượng”, còn “chất” thì hoàn toàn không, cơ thể của bé đã phải chịu tổn thất đi một phần lớn dưỡng chất thiết yếu hàng ngày. Vì thế các mẹ cần phải xem lại trường hợp nhẹ cân, suy dinh dưỡng của con mình có phải vì nguyên nhân này không để kịp thời điều chỉnh phương pháp chăm sóc bé.
Đối với các bé không bú mẹ mà dùng sữa công thức, các mẹ cũng nên kiểm soát lượng nước dùng để pha sữa cho bé. Tốt nhất, chúng ta nên tuân theo công thức, liều lượng được hướng dẫn trên bao bì.
Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng (thường thì từ tháng thứ 6 trở lên), các mẹ hãy cho trẻ uống thêm nước để bổ sung lượng flouride cần thiết hỗ trợ việc mọc răng của trẻ. Song song đó, các mẹ vẫn nên tiếp tục cho trẻ bú sữa để đảm bảo nguồn dinh dưỡng và các dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ phát triển toàn diện.